Header Ads

  • Breaking News

    ĐẠO ĐỨC (số 16) ĐẠO ĐỨC TƯƠNG XỨNG

     ĐẠO ĐỨC (số 16)


    ĐẠO ĐỨC TƯƠNG XỨNG


    Có một quy luật mặc nhiên mà ai cũng phải chấp nhận, đó là, người càng ở vị trí cao thì càng phải có đạo đức nhiều hơn người khác. Thầy cô giáo phải có đạo đức hơn học trò. Cha mẹ phải có đạo đức hơn các con. Tu sĩ phải có đạo đức hơn tín đồ. Và cán bộ lãnh đạo phải có đạo đức hơn dân thường.


    Cái đòi hỏi đó, cái quy luật đó là hết sức tự nhiên, hết sức công bằng. Nếu ta quên cái quy luật này thì ta sẽ bị đào thải. Nếu ta không có đạo đức tương xứng với vị trí của mình thì ta sẽ mất vị trí đó. Ngày xưa thời vua chúa, vua hay được xưng tụng là bậc thánh quân. Gán cho vua cái giá trị của thánh nghĩa là cho rằng vua phải cực kì đạo đức. Đó là lời ca tụng vua, nhưng cũng là một sự mong đợi của thần dân đối với vua. Vua là bậc cao nhất thì đạo đức của vua phải là cao nhất. Đạo đức cao nhất thì không phải là thánh thì là gì.


    Ta hay bị lý luận ảnh hưởng bởi tây phương cho rằng mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, rồi xem cán bộ lãnh đạo cũng bằng dân thường. Thực tế cán bộ lãnh đạo khác hẳn dân thường. Ai cũng là con người với những nhu cầu giống như nhau, nhưng vai trò trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo khác rất xa. Chính vì vai trò trách nhiệm khác nhau đó mà họ bị đòi hỏi phải có đạo đức cao hơn người thường mấy bậc.


    Người dân thường phạm lỗi ăn cắp thì bình thường, nhưng cán bộ mà phạm lỗi ăn cắp thì vấn đề khác hẳn, là chuyện rất lớn, rất kinh khủng trong nhận thức của mọi người. Như vậy rõ ràng là mọi người vốn đòi hỏi cán bộ lãnh đạo phải có đạo đức hơn hẳn người thường. Đó là quy luật về sự tương xứng giữa vị trí và đạo đức.


    Người nào đã chọn con đường làm quan chức thì buộc phải có phương pháp tu dưỡng đạo đức của mình tăng tiến mãi cho phù hợp với quy luật tương xứng giữa đạo đức và vị trí. Đạo đức mà không trau dồi mỗi ngày thì tự nhiên sẽ sa sút. Bản năng tự nhiên của các giống loài là ích kỷ, tham lam, thù hận. Đừng làm gì cả thì các tính xấu sẽ từ từ trỗi dậy. Phải có công phu tu dưỡng từng ngày thì những tính xấu mới bị kềm chế kiểm soát.


    Công phu tu dưỡng đạo đức mỗi ngày thì cần phải có phương pháp hợp lý cụ thể, vừa có tính khoa học, vừa có tính tâm lý, vừa phù hợp với luật Nhân quả.

    Mỗi ngày người cán bộ quan chức phải có những lời tự nhủ với chính mình về các điều đạo đức. Con xin kiên nhẫn trước khó khăn, con xin yêu thương hết đồng bào, con xin kềm chế sự tham lam, con xin trung thành với tổ quốc... Mỗi ngày thực lòng nói với chính mình như vậy sẽ biến thành bản chất đạo đức tự nhiên.

    Niềm tin vào Luật Nhân quả công bằng cũng là yếu tố quyết định của đạo đức. Nói đến đạo đức mà không nói đến luật Nhân quả thì thật là thiếu sót. Luật Nhân quả vừa là tâm linh vừa là khoa học. Ai có đạo đức đều phải tin luật Nhân quả. Người dân mà thấy cán bộ lãnh đạo tin sâu hiểu sâu luật Nhân quả thì họ sẽ kính trọng thật sự. Sức mạnh của tâm linh chính là như thế.


    Cán bộ lãnh đạo cũng phải có phương pháp giữ tâm điềm tĩnh ôn hòa thanh thản, để đối phó với áp lực công việc rất lớn. Việc làm quan chức lo cho số đông người dân luôn xuất hiện nhiều chuyện dồn dập liên tiếp cần phải giải quyết, nhưng thời gian thì ít, lương bổng không bao giờ tương xứng. Đó cũng là áp lực tâm lý rất lớn. Nếu không có đạo đức vững vàng thì ai cũng sẽ biến chất.


    Đạo đức đến từ tấm gương của các bậc tiền bối, triết gia, danh nhân. Đạo đức cũng đến từ những người bình thường chung quanh ta. Đạo đức đến từ trí tuệ của ta. Đó là là các nguồn đạo đức để ta tham khảo học tập và ứng dụng vào cuộc sống của mình.

    Tu dưỡng đạo đức mãi cho đến khi ta bắt gặp ánh mắt quý mến của người dân là tạm được.

    Không có nhận xét nào

    Post Top Ad

    ad728

    Post Bottom Ad

    ad728