ĐẠO ĐỨC (số 25) SIÊNG NĂNG
ĐẠO ĐỨC (số 25)
SIÊNG NĂNG
Siêng năng hơi khác với Tận tụy một chút. Tận tụy là siêng năng trong bổn phận việc làm, còn siêng năng là chịu khó tốn công sức để thực hiện mọi công việc trong cuộc sống. Người ta có thể Tận tụy ở công sở, nhưng đôi khi về đến nhà không chịu làm gì khác, không chịu tập thể dục, không chịu quan tâm chăm sóc gia đình, lấy cớ làm về mệt.
Siêng năng có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực. Siêng tập thể dục, siêng tập đàn, siêng học ngoại ngữ, siêng làm bài tập về nhà, siêng phụ việc nhà, siêng làm vườn, siêng nhặt rác quanh khu phố, siêng tham gia hoạt động từ thiện xã hội, siêng tham gia hoạt động các tổ chức chính trị xã hội vận động yêu nước, siêng dành thời gian tu tập tôn giáo, siêng viết văn rèn luyện chữ nghĩa...
Siêng năng cũng khác với đam mê. Đam mê là rất siêng làm việc gì mình yêu thích. Còn Siêng năng thì không cần thích, miễn việc đó đúng thì gắng làm.
Người siêng năng là người có ý chí, chiến thắng được bản năng lười biếng của con người. Nhưng siêng năng mãi lại cũng có niềm vui. Đừng làm quá sức, cứ đều đặn làm việc mãi cũng có thú vui. Người siêng năng là người có lợi thế lớn hơn những người khác. Siêng năng được rồi thì đủ ý chí học tập để vươn lên. Siêng năng được rồi thì dễ cống hiến phục vụ mọi người chung quanh nên thường tạo được phúc. Siêng năng được rồi thì hay mày mò nghiên cứu tìm tòi nên dễ phát hiện những điều mới lạ, mà ta gọi là sáng tạo.
Tâm lý siêng năng do hai yếu tố tạo thành, một là ý chí của tinh thần, hai là cơ thể có đủ sức khỏe tương đối.
Ý chí thì do phước hỗ trợ, do trí tuệ nhận thức thúc đẩy, hoặc do tình cảm biến thành. Yêu thương, căm thù, hay nhận thức đúng đắn đều giúp tạo ra ý chí.
Biết việc đó là cần thiết, ta cố gắng làm, đó là trí tuệ sinh ra ý chí.
Yêu thích nên cố gắng, căm thù nên cố gắng, đó là tình cảm sinh ra ý chí.
Sức khỏe đủ thì ý chí cũng được thuận lợi. Người yếu đuối hay phát sinh tâm lý lười biếng. Đông y cho rằng nguyên nhân suy thận cũng phát sinh tâm lý lười biếng. Vì thế, ta nên tập thể dục đều đặn, giữ sức khỏe ổn định, để có được tâm lý siêng năng.
Người siêng năng dễ được mọi người tôn trọng, còn người lười biếng thì ai cũng xem thường. Lười biếng chẳng đóng góp gì cho cộng đồng nên phước cạn dần. Phước cạn thì bị xem thường. Thậm chí có khi người ta kết luận rằng người lười là người ác. Bị cho là Ác vì thản nhiên để cho người khác cực khổ gánh vác công việc có liên quan đến mình.
Nếu thấy mình không được siêng năng thì ta phải khẩn trương điều chỉnh liền, vì đó là khiếm khuyết rất lớn cho cuộc đời của mình. Ta phải tập làm sao, nguyện làm sao, để trở thành người rất siêng năng mới được. Chẳng phải chỉ siêng năng cho hiện tại, mà còn phải siêng năng tạo phúc cho nhiều kiếp sau nữa.
Không có nhận xét nào